Du học nghề Đức ngành điều dưỡng có gặp khó khăn hay không?
Nếu đây là câu hỏi mà các bạn muốn mình trả lời thì xin thưa rằng, đã đi làm thì sẽ không có công việc nào không tồn tại khó khăn cả… Nếu lựa chọn làm công chức, bạn sẽ phải hy sinh rất nhiều để phục vụ dân, nếu là doanh nhân, bạn sẽ đau đầu vì doanh số còn nếu bạn lựa chọn những công việc tay chân thì “nắng mưa là chuyện của Trời, lời nhiều hay ít là do công mình”, còn nếu bạn chẳng muốn làm nhưng vẫn muốn có ăn thì…đến lớp học của thầy Huấn nhé!
Tóm lại, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về những khó khăn mà các bạn có thể sẽ đối mặt khi lựa chọn du học nghề Đức ngành điều dưỡng. Dưới đây là những trải nghiệm chân thật nhất của chị mình, chị Phượng, một du học sinh Đức ngành điều dưỡng, chị cũng đã kết hôn, định cư tại đây từ hơn 10 năm trước.
Ngôn ngữ
Khó khăn đầu tiên mà chúng ta cần nói đến là ngôn ngữ. Đây cũng là phương tiện chính mà chúng ta dùng để giao tiếp với mọi người xung quanh.
Chị Phượng chia sẻ rằng: “Ngày xưa, chị đỗ B1 vào dạng xuất sắc. Chị nghĩ rằng chỉ cần học thêm B2 và cuộc sống của chị ở Đức sẽ màu hồng nhưng không. Chị mày đã nhầm to.”
Sau khi cầm tấm bằng B2 trên tay, chị đã vô cùng ngỡ ngàng với các chương trình học “DIALEKT”. Một cách dễ hiểu hơn, bạn sẽ tốt nghiệp với tấm bằng B2 tiếng Hà Nội. Sau đó, bạn sẽ được quay trở lại với chương trình học A1 bằng tiếng Quãng Ngãi, tiếng Sài Gòn…
Đây là một trong các “trở ngại” mà bạn sẽ gặp phải nếu thật sự yêu thích và mong muốn làm tốt công việc của mình. Nhưng đừng quá lo lắng!! Nếu vượt qua được “rào cản” này, cuộc sống của bạn trong ngành điều dưỡng sẽ thực sự là màu hồng đấy nhé!
Chương trình học
Cách đây không lâu, du học nghề Đức ngành điều dưỡng sẽ được lựa chọn:
- Điều dưỡng lão
- Điều dưỡng nhi
- Điều dưỡng bệnh viện
Thế nhưng, du học Đức ngành điều dưỡng ngày nay sẽ buộc phải học chương trình mới hệ 3 năm. Chúng ta sẽ phải học cả 3 hệ điều dưỡng trên, đồng nghĩa với việc khối lượng kiến thức cần nạp vào sẽ nhiều gấp ba lần. Đổi lại là một tấm bằng điều dưỡng viên cao cấp hơn với đa dạng cơ hội lựa chọn nghề nghiệp hơn ở các nơi mà chúng ta yêu thích như viện dưỡng lão, viện nhi, bệnh viện.
Thực tế, ngay cả người Đức cũng cảm thấy khó khăn và áp lực với khối lượng kiến thức của ngành điều dưỡng chứ không chỉ là các học viên từ nước ngoài như chúng ta.
Công việc điều dưỡng
Nếu đã học bằng sơ cấp điều dưỡng ở Việt Nam, bạn vẫn sẽ vẫn được học thêm một số kiến thức với khối lượng khá là “đau đầu”. Chị Phượng cho biết: “Chị đã học rất nhiều môn trong 2 tháng ở trường với các tiết lý thuyết và thực hành xen kẽ nhau. Đây là một khối lượng kiến thức rất lớn mà khiến chị cảm thấy một ngày là hoàn toàn không đủ để sử dụng đó là chưa kể những hôm có bài tập về nhà”.
Ngay cả khi bắt đầu đi làm, chị Phượng vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn trong vấn đề giao tiếp và trao đổi thông tin với các đồng nghiệp về tình trạng hay quá trình sinh hoạt trong ngày của người được chăm sóc như thế nào. “Giao tiếp hàng ngày không phải là điều khó khăn với chị nhưng để đi sâu vào công việc và các từ chuyên ngành thực sự là một thử thách lớn” – chị Phượng cho hay.
Điều tiếp theo đây không hẳn là khó khăn trong việc du học nghề Đức ngành điều dưỡng mà sẽ là khó khăn của bất cứ một ai đang làm công việc điều dưỡng ở bất cứ nơi đâu.
Thực tế, điều dưỡng là công việc mà bạn sẽ phải sẵn sàng chăm sóc và làm hài lòng người khác, và hiển nhiên, đây không phải là một việc dễ dàng nếu bạn không phải là một người kiên nhẫn. Người lớn tuổi là những khách hàng khó chăm sóc nhất. Có người rất vui vẻ, hiền lành; có người lại nóng tính hay cáu giận; có người lại thấy cô đơn, nhớ nhà; có người lại hay nói rất nhiều và thậm chí có người lấy việc bấm chuông là một thú vui. Là một điều dưỡng viên chuyên nghiệp, bạn phải luôn luôn sẵn sàng có mặt bất cứ khi nào các khách hàng bấm chuông, và thử tưởng tượng xem, họ chỉ bấm để gọi bạn đến dù không có bất cứ yêu cầu gì.
Ngoài ra, nếu bạn chăm sóc những người lớn tuổi và họ mong muốn được trò chuyện, chia sẻ; đó là lúc bạn nhân ra vốn từ vựng tiếng Đức của mình thật sự “chán”.
Bên cạnh đó, bạn có thể còn gặp vô vàn sự “khó khăn”, “thách thức” mà bạn có thể xem đó là những trải nghiệm vô cùng thú vị trong ngành điều dưỡng này như việc chăm sóc cho các cụ bị lãng tai với các kỹ năng “thủ ngữ” mà bạn sẽ dần nhận ra mình giỏi hơn bản thân đã tưởng. Một số người lớn tuổi thậm chí còn nặng hơn bạn gấp hai lần, bạn sẽ cần đến các sự hỗ trợ “đặc biệt” để giúp họ di chuyển hay việc hỗ trợ người lớn tuổi tắm và phải vật lộn với đôi tất ấm dài đến đùi của họ cũng là những kinh nghiệm rất thú vị trong cuộc sống ở Đức.
Câu chuyện về người hướng dẫn
Khi bạn đi thực tập tại các viện, sẽ là rất may mắn nếu bạn gặp được một người hướng dẫn tận tâm và nhiệt tình, các bạn sẽ “lên tay” rất nhanh và cũng rất thoải mái, dễ dàng trong công việc.
Nếu không may gặp phải một người hướng dẫn bận rộn trong công việc và bạn phải tự mò mẫm mọi thứ thì cũng đừng vội bỏ cuộc nhé! Hãy nhớ rằng bạn còn rất nhiều đồng nghiệp khác chưa kể đến các thực tập điều dưỡng giống như bạn. Bạn vẫn có thể học được vô vàn các kiến thức và kinh nghiệm bổ ích từ họ đấy (à mà sẽ tốn thêm ít thời gian thôi mà).
Một vài chia sẻ
Để công việc trở nên dễ đàng và thú vị hơn, hãy dành thời gian rãnh để đọc thêm thông tin về các khách hàng của mình. Việc hiểu rõ hơn về người mà bạn chăm sóc sẽ giúp ích bạn rất nhiều đặc biệt là đối với người lớn tuổi.
Ngoài ra, đôi lúc bạn sẽ gặp phải sự kỳ thị từ một vài người (rất ít thôi) chỉ vì là một người châu Á, hãy cứ bình tĩnh và hoàn thành thật tốt công việc của mình nhé.
Tóm lại, trên đây là những chia sẻ về một vài khó khăn trong công việc điều dưỡng tại Đức của chị gái mình. Các bạn sẽ được học và làm việc tại rất nhiều môi trường khác nhau cùng với tính trải nghiệm, khó khăn khác nhau, hãy cứ lạc quan và làm thật tốt công việc của mình, bạn sẽ nhận ra những khó khăn này chỉ là những nét vẽ tô điểm cho một cuộc sống tươi đẹp hơn về sau.
Hãy theo dõi WBS Training Vietnam để xem thêm về các khóa học tiếng Đức và chương trình đào tạo du học nghề khác.
Truy cập website để đón xem các bài viết mới nhất.