Đây là bài viết đầu tiên trong chủ đề Das Leben in Deutschland mà WBS Training muốn chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm trong cuộc sống ở Đức cũng như những thói quen hay phong tục của người Đức mà chúng tôi cho rằng sẽ giúp ích cho các bạn trong những năm đầu tiên khi mới đặt chân đến Đức.
Mở đầu cho loạt bài viết này sẽ là chủ đề Những phép lịch sự ở nơi công cộng. Người Đức vốn nổi tiếng với sự quy củ và nề nếp, vì vậy đối với họ văn hóa giao tiếp, ứng xử nơi công cộng rất quan trọng. Cùng WBS Training tìm hiểu những quy tắc này nhé!
Đứng bên phải khi chờ thang cuốn
Ở các bến tàu hoặc trung tâm thương mại, bạn có thể quan sát thấy mọi người đều đứng phía bên phải thang khi sử dụng thang cuốn. Lí do là họ nhường phía bên trái thang cho những người đang vội và cần đi nhanh. Nếu bạn mới sang Đức thì đừng quên quy tắc này nhé!
Chờ người trong thang máy ra trước
Ở Đức có một quy tắc khi sử dụng thang máy đó là khi cửa thang máy mở ra, bạn nên để người bên trong thang máy đi ra trước. Tương tự khi chờ tàu bạn cũng nên để mọi người đi ra trước. Đây là một việc rất nhỏ thôi nhưng có thể do vội hoặc không kịp quan sát mà bạn bỏ qua mất điều này.
Giữ cửa cho người phía sau
Khi bạn vào các trung tâm thương mại hay ở trường học, sẽ là bất lịch sự khi bạn không để ý người phía sau và vô tư thả tay để cửa đập vào mặt họ. Chỉ cần mấy giây để giữ cửa cho người vào sau, bạn có thể nhận được một nụ cười thân thiện hay một lời cảm ơn từ họ.
Nhường ghế cho người lớn tuổi
Có lẽ không chỉ ở Đức mà ở Việt Nam cũng như các nước khác, việc nhường ghế cho người lớn tuổi và phụ nữ mang thai là phép lịch sự bắt buộc. Ở Đức nếu bạn quên điều này thì bạn hoàn toàn có thể nhận được những ánh mắt khó chịu hay lời nhắc nhở của mọi người xung quanh.
Giữ khoảng cách khi xếp hàng
Giữ khoảng cách với người phía trước: Khi đứng xếp hàng bạn nên lưu ý không nên đứng quá sát người đứng phía trước mình, đặc biệt là khi chờ thanh toán ở siêu thị hay trung tâm mua sắm, việc đứng gần và nhìn khi họ ấn mã thanh toán được cho là rất bất lịch sự.
Nói cảm ơn và xin lỗi
Có một điều khi ở bên Đức bạn nên làm quen đó là nói cảm ơn và xin lỗi thật nhiều, so với ở Việt Nam thì người Đức dùng lời cảm ơn và xin lỗi thường xuyên hơn rất nhiều.
Nhìn vào mắt khi bắt tay
Khi bắt tay hoặc chạm cốc bạn nên nhìn thẳng vào mắt đối phương để họ không hiểu lầm là bạn không tôn trọng họ.
Gesundheit
Ở Đức người ta thường nói “Gesundheit” khi ai đó hắt xì hơi để chúc họ khỏe mạnh như một phép lịch sự, tương tự người hắt hơi cũng sẽ nói “Entschuldigung”. Khi hắt hơi hoặc ho bạn cũng nên ho vào khuỷu tay để giữ lịch sự thay vì vào lòng bàn tay.
Không nói chuyện khi miệng còn thức ăn
Người Đức sẽ rất khó chịu khi bạn nói chuyện mà trong miệng vẫn còn thức ăn, hãy luyện cho mình thói quen không vừa nhai vừa nói nhé. Ngoài ra khi đi ăn ở nhà hàng bạn cũng có thể tip cho phục vụ bàn 5-10% hóa đơn như một lời cảm ơn của mình đến người phục vụ.
Xem thêm
https://wbstraining.vn/nghe-dieu-duong-altenpfleger/
https://wbstraining.vn/quan-ly-nha-hang-fachmann-frau-fur-systemgastronomie/